Giỏ hàng của bạn không có sản phẩm. |
SÁCH ‘SÀI GÒN NGOẢNH LẠI TRĂM NĂM’: NGOẢNH NHÌN VẺ ĐẸP SÀI GÒN XƯA
06/12/2021
Điểm sách
Sài Gòn là thành phố như tự thay tấm áo mới, cứ không ngừng biến hóa làm ngạc nhiên với chính những thị dân của mình. Bởi vậy, một cái ngoảnh mặt nhìn lại để thấy xuyên suốt bao cuộc biến thiên, thăng trầm của lịch sử đã qua vùng đất này, có chăng là điều cần thiết.
1. Mang tâm thế đó, Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm của tác giả Phạm Công Luận ra đời thâu góp những sưu khảo, hồi ký, ghi chép về Sài Gòn một thời quá vãng mà vẫn như hiện diện trong đời sống của thế kỷ này.
Cuốn sách với 7 phần, như 7 cánh cửa bước vào một Sài Gòn xa xưa như cổ tích, với một cụ bà sinh năm 1848 kể lại thời Sài Gòn hoang sơ, đêm về tiếng trùng kêu liêu trai ma mị đến nổi quân lính phải đốt đuốc đi thành nhóm cho đỡ sợ. Không cần so với hôm nay, chỉ cần đặt mình vào vị trí của những độc giả thập niên 1950, nghe chuyện bà cụ sống vắt sang 2 thế kỷ, ta cũng đủ thấy lạ lẫm.
Là một đứa con của Sài Gòn, Phạm Công Luận bao năm miệt mài ghi chép lại những câu chuyện lần hồi đi vào quên lãng nếu không có một người tận tâm tìm kiếm trong các trang tài liệu, sách báo xưa để níu kéo lại cho thế hệ hôm nay thấy một Sài Gòn không chỉ hiện đại năng động mà còn cổ điển và đài các, cứ không ngừng lấp lánh một cõi phương Nam.
Sau bộ sách 5 tập Sài Gòn – Chuyện đời của phố, tác phẩm Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm rẽ lối bước sang một thời kỳ mới, dù vẫn trong một âm hưởng hoài vọng vùng đất buổi ban đầu.
Tác giả Phạm Công Luận ký tặng độc giả trẻ trong sự kiện ông ra mắt sách viết về ký ức Sài Gòn. Ảnh: TLTG
2. Trong Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm có những đại cảnh về cuộc chuyển mình thay da đổi thịt để hình thành một đô thị, cho đến nết ăn ở, đối đãi, những nét đẹp văn hóa đổi thay theo chiều dài lịch sử thành phố.
Những biến thiên buổi giao thời mới cũ ẩn dưới những điều tưởng chừng tủn mủn như “chuyển đổi từ bộ áo dài khăn đóng hằng ngày sang bộ đồ Tây trang nhã và gọn gàng”. Từ thay đổi phục trang dẫn đến những đổi thay trong thói quen sinh hoạt, cử chỉ dẫn đến những tiếng quở trách của những ai theo phái thủ cựu: “Trong tôi không thế bao giờ, sao mà ngoài ni họ đàng điếm quá (!), đàn ông mà đến áo gấm vàng, áo gấm xanh, giày Kinh, giày mũi nhung sao mà lăng lố. Đàn bà thì bận đủ các thứ hàng các mùi, ăn mặc sao mà xa xỉ quá đỗi! Trong tôi mà ăn mặc thế thì phải tội ngay, chết ngay chứ đừng tưởng chơi, ngoài này sao mà họ khiếp thế!…” (trích Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm).
Trước những trăn trở ấy tác giả Phạm Công Luận chỉ đúc kết: “Rốt cuộc, cả xã hội vẫn phải thay đổi và đã thay đổi, chọn lọc và giữ lại những gì thuận lợi cho cuộc sống. Quá trình này xuất hiện không ít những trăn trở. Các câu chuyện trên chỉ là những viết sẹo còn lại trong ký ức ở thời chuyển mình cực lớn của cha ông ta từ trăm năm trước để đi dần đến cuộc sống hiện đại”.
Ta có thể thấy sự biến mất của những hiện tượng, thương hiệu đình đám hưng thịnh một thời và cũng thấy cả những trao truyền tiếp nối những giá trị của Sài Gòn xưa gửi lại cho Sài Gòn nay.
3. Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm không phải là nỗi ngậm ngùi tiếc nuối mà là sự nhìn lại trong tâm thế bình thản và đón nhận. Quyển sách không sùng cổ (hay “giả cổ” như vài tác phẩm viết về Sài Gòn) mà là trân trọng những điều tốt đẹp ngày xưa để biết kính yêu bậc tiền nhân mà gìn giữ một tinh thần Sài Gòn, một tinh thần bao dung, hào hoa, biết dung nạp cái mới nhưng không vội vàng bôi xoa cái cũ. Biết trọng cả những việc bình thường nhỏ nhặt của đời sống như đồ chơi trẻ em, thuở ban đầu học tiếng Anh, đến những đồ ăn thức uống đã quen thuộc với chúng ta hôm nay vẫn ẩn chứa trong mình một câu chuyện chờ được kể.
Bởi thế Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm trong giới hạn về dung lượng, về những cách trở thời gian lẫn thất lạc tư liệu, vẫn đong đầy và có phần kết nhưng không hẳn đã khép lại. So với những tác phẩm trước đây của cùng tác giả Phạm Công Luận, Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm có kết cấu chặt chẽ hơn, lớp lang hơn.
Tác phẩm hứa hẹn còn những dự phóng đang chờ đợi phía trước, để người đọc, biết đâu chừng là những tác giả tương lai theo chỉ dấu mà bổ sung, lần hồi bồi đắp lên những công trình biên khảo, sưu tầm vén mở về đất Sài Gòn xưa bí ẩn cả trong chính sự cởi mở của mình.
“Khác với bộ Sài Gòn – chuyện đời của phố tập hợp từng bài viết độc lập, cuốn này dẫn dắt độc giả nhìn lại cuộc sống của Sài Gòn trên dưới trăm năm qua với kết cấu nội dung tương đối chặt chẽ, qua từng lãnh vực từ chuyện nhà cửa, dịch vụ ẩm thực, giải trí và thưởng ngoạn, nguồn nhân lực…” (Tác giả Phạm Công Luận chia sẻ) |
Huỳnh Trọng Khang (Thethaovanhoa.vn)